Với hàng loạt các FTA cũng như các hiệp định thương mại khác, dự báo sẽ ký kết trong năm 2015, nhất là TPP, FTA VN – EU… ngành dệt may đang chuẩn bị đón nhận những cơ hội mới khi đặt mục tiêu XK năm 2015 đạt khoảng 28 – 29 tỉ USD.
Tín hiệu khả quan từ các cuộc đàm phán FTA song phương và đa phương, TPP… rõ ràng là một lực hút quan trọng cho các nhà đặt hàng, các nhà đầu tư đến với dệt may VN.
Thị trường truyền thống – tăng tốc
Các thị trường XK truyền thống đều tăng trưởng tốt trong năm 2014, như XK dệt may VN sang thị trường Mỹ tiếp tục đạt sức tăng trưởng khá. Nếu so sánh với các quốc gia cạnh tranh khác trên thị trường Mỹ sẽ thấy, VN tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn đầu với hai con số, trong khi các quốc gia khác tăng nhẹ hoặc thậm chí tăng trưởng âm. Thị phần các sản phẩm dệt may của VN tại Mỹ đạt 8,4%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 2013. Dự báo xuất khẩu dệt may năm 2015 của VN sang Mỹ tiếp tục đạt tăng trưởng tốt, tăng 13% so với năm 2014, đạt trên 11 tỷ USD.
Với thị trường EU, trong năm 2015, nếu FTA VN – EU được ký kết, tăng trưởng xuất khẩu dệt may của VN sang EU sẽ khởi sắc tương tự trường hợp của Bangladesh tăng trưởng mạnh vào EU kể từ khi hưởng ưu đãi về thuế GSP. Dự báo 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may VN sang EU sẽ duy trì được đà tăng trưởng và đạt trên 4 tỷ USD.
Việc các nhà đầu tư Nhật tăng đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu trong ngành dệt may tại VN đã tạo cho ngành dệt may VN cơ hội tận dụng được lợi thế về quy tắc xuất xứ và từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường khi xuất khẩu sang Nhật Bản. Năm 2015, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của VN sang Nhật Bản có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2014.
Đáp ứng các yêu cầu mới
Như phân tích ở trên, với đặc điểm các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực đều quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ từ sợi (TPP), từ vải (EU) đồng thời cũng phù hợp với chiến lược nâng cao giá trị gia tăng và vị thế cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các hoạt động chuẩn bị cho việc đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới của ngành dệt may sẽ xoay quanh 3 nội dung trọng yếu:
Thứ nhất, đầu tư sản xuất vải dệt kim và dệt thoi. Trong đó riêng trong 2 năm 2015 – 2016 Vinatex và các Cty con tập trung đầu tư các khu sản xuất nguyên liệu tập trung gồm: Khu CN Phố Nối B với nòng cốt là Cty Dệt 8-3 đầu tư sản xuất vải dệt thoi công suất 25 triệu mét năm, mở rộng nhà máy dệt kim đang có từ 3000 tấn – 5.000 tấn năm, đầu tư thêm nhà máy sợi công suất 5.800 tấn năm; Khu CN Khoái Châu, chuyên làm hàng dệt kim nhẹ đầu tư nhà máy có công suất 3.000 tấn năm, nhà máy sợi 3.000 tấn năm…
Ngoài ra, Vinatex cũng đầu tư thêm trong 2 năm trên 200 dây chuyền may. Theo đó đến năm 2016 tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ tăng thêm trên 100 triệu mét (tăng 40% so với năng lực hiện nay); vải dệt kim tăng thêm 20,000 tấn năm (tăng gấp đôi năng lực hiện nay); sợi các loại thêm 29,000 tấn năm (tăng thêm 25% năng lực hiện tại). Với các chương trình đầu tư trên, từ năm 2017 Vinatex có thể chủ động được trên 55% vải các loại trong chuỗi DN của mình. Dự kiến, tổng mức đầu tư ước gần 9.000 tỷ đồng.
Thứ hai, hiện Vinatex đã thành lập mới Trung tâm Kinh doanh và cấu trúc lại chức năng bộ phận thị trường của Tập đoàn từ tham mưu thuần túy sang kinh doanh. Tập trung kinh doanh cho các dự án tập đoàn đầu tư và liên kết chuỗi các DN trong tập đoàn. Hiện đã bắt đầu có các đơn hàng đầu tiên. Định hướng các DN chủ đạo chuyển dần qua đơn hàng FOB 2 và ODM, có ưu tiên đàm phán sử dụng nguyên liệu của tập đoàn, ký các cam kết bao tiêu sản phẩm vải cho các dự án
Thứ ba, chuẩn bị nhân lực, theo đó hình thành trung tâm đào tạo cán bộ quản lý cấp cao và trung của tập đoàn tại 2 miền Nam, Bắc. Xây dựng các chương trình đào tạo cho giám đốc nhà máy thời gian 3-6 tháng. Ngoài ra cũng tiếp tục tuyển dụng và đào tạo bổ sung cho các dự án. Kể cả các chuyên gia quản lý nhuộm hoàn tất nước ngoài để bố trí tại các dự án trọng điểm tại Hòa khánh, Phố nối, Nam định, Yarn dyed Xuyên Á…